Làm xiêu lòng mọi audiophile đó là mẫu loa Sonus Faber Lumina III

Được xem như biểu tượng của ngành công nghiệp audio hiend nước Ý, Sonus Faber với hàng chục mẫu loa cao cấp đã gắn bó với nhiều thế hệ audiophile trên khắp thế giới. Không chỉ tung ra thị trường các dòng loa hiend cao cấp, Sonus Faber còn cho ra mắt nhiều series loa hiend dành cho các tín đồ mới nhập môn và Lumina Series là một trong số đó. Được sản xuất hoàn toàn thủ công tại Vicenza, Ý và hội tụ đầy đủ các kỹ thuật chế tạo, công nghệ tái tạo âm thanh hiện đại nhất, Lumina Series hứa hẹn sẽ đem tới những trải nghiệm nghe nhạc đầy cảm xúc và chân thật nhất cho audiophile. Hiện dòng loa này đang sở hữu tất cả 3 thành viên, gồm: loa floorstanding Lumina III, loa bookshelf Lumina I & loa center Lumina Center. Nhìn vào đây ta có thể ngầm hiểu rằng ngoài nhu cầu nghe nhạc thì Lumina Series còn phục vụ tốt cả nhu cầu xem phim. Trong khuôn khổ bài viết ngày hôm nay, audiophile hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu chi tiết về sản phẩm đầu bảng của series này, đó là mẫu loa Sonus Faber Lumina III.

Sonus Faber LuminaIII

Thiết kế và cấu tạo chi tiết của mẫu loa Sonus Faber Lumina III

Mặc dù chỉ nằm trong phân khúc hiend sơ nhập thế nhưng Lumina III vẫn phải đảm bảo 3 yếu tố quan trọng của Sonus Faber trong thiết kế đó là sự sang trọng (đại diện cho chữ “Lu” trong Luxury), sự tối giản (đại diện cho chữ “Mi” trong Minimal) và sự tự nhiên (đại diện cho chữ “Na” trong Natural).

Khác với những người anh em tiền nhiệm của mình, cặp loa Sonus Faber Lumina III có vẻ ngoài vuông vức và góc cạnh hơn. Không hề xuất hiện những đường cong mềm mại ở trên thân loa, điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi Lumina III ưu tiên sử dụng phong cách thiết kế tối giản. Với kích thước các chiều là 989 x 228 x 277.7mm cùng cân nặng chỉ 15.9kg, loa thích hợp với những không gian phòng nghe có diện tích khoảng 25m2.

Sonus Faber LuminaIII doi

Toàn bộ phần thùng loa vẫn được làm bằng chất liệu gỗ MDF quen thuộc song điểm nhấn lại nằm ở lớp vỏ bên ngoài. Ngoại trừ phần mặt trước thì các mặt còn lại của Lumina III đều được Sonus Faber bọc da bò cao cấp, chi tiết này góp phần tăng thêm sự sang trọng, trang nhã cho cặp loa. Lớp sơn bóng phủ ở phần mặt trước sẽ giúp cho vẻ ngoài của loa trở nên tinh tế hơn. Tổng cộng sẽ có ba phiên bản màu sắc cho loa Sonus Faber Lumina III đó là Black, Wenge và Walnut.

Một chi tiết không thể thiếu trong các mẫu loa cao cấp đó là phần chân đế. Để tạo được sự ổn định tuyệt đối, loại bỏ mọi loại nhiễu rung thì bộ chân đế tích hợp trên mẫu loa Sonus Faber Lumina III được làm từ chất liệu hợp kim và có dạng chân đinh.

Những đặc điểm kỹ thuật nổi bật trên mẫu loa Sonus Faber Lumina III

Xét trên phương diện kỹ thuật, điểm cộng đầu tiên mà chúng tôi dánh cho Lumina III đó là khả năng kết nối. Loa được trang bị tới 2 cặp cầu nối loa, điều này có nghĩa là audiophile hoàn toàn có thể thiết lập phương thức kết nối biwire hoặc biamp giữa loa với ampli. Phương thức này sẽ phần nào giúp cho tín hiệu âm thanh được truyền tải một cách liền mạch, rõ ràng hơn.

Để đảm bảo cho phần trình diễn âm trầm được ấn tượng và sống động nhất, nhà sản xuất đã trang bị cho loa Sonus Faber Lumina III hệ thống cổng thông hơi Stealth Reflex. Cổng này do được đặt ở dưới đáy loa nên nhiều audiophile sẽ nhầm tưởng Lumina III sử dụng cấu trúc thùng loa dạng kín. Vị trí này sẽ giúp cho âm thanh của loa không bị phụ thuộc quá nhiều vào vị trí setup.

Sử dụng mạch phân tần có cấu hình 3 đường tiếng, loa Sonus Faber Lumina III được trang bị cụm driver bao gồm: 1 driver tweeter dạng dome đường kính 29mm, 1 driver midrange và 2 driver woofer có chung dạng hình nón cùng đường kính 150mm.

Sonus Faber LuminaIII dep

Driver tweeter trên Lumina III thuộc model DAD được thừa hưởng từ người đàn anh Sonetto Collection. Phần dome của driver này do làm bằng lụa Kurtmueller nên dải cao được tái tạo không chỉ trong mà còn vô cùng mượt và uyển chuyển. Driver này được đặt trong một chiếc vòng mạ chrome cho phép triệt tiêu các nhiễu âm gây ra tình trạng méo tiếng ở dải cao. Phối hợp với driver tweeter để trình diễn phần vocal là driver midrange cũng được lấy từ Sonetto Collection. Theo chia sẻ, màng loa của driver mid làm từ giấy nên trung âm được trình diễn một cách trung thực, tự nhiên và ngọt ngào.

Riêng cặp driver woofer là được làm mới hoàn toàn. Ngoài việc màng loa cũng làm từ giấy thì hiện Sonus Faber chưa chia sẻ thêm bất kỳ thông tin kỹ thuật nào về driver này. Song qua trải nghiệm thực tế, dải bass cho cặp woofer này cung cấp không chỉ chắc khỏe, mạnh mẽ mà còn có tốc độ đáp ứng rất nhanh.

Cụm driver này mang tới dải tần đáp ứng vô cùng rộng cho mẫu loa Sonus Faber Lumina III (từ 40Hz – 24kHz). Với độ nhạy 89dB cùng trở kháng là 4Ohm, audiophile nên phối ghép loa cùng các bộ khuếch đại có công suất dao động từ 50W – 250W.

Mang trong mình thiết kế đơn giản nhưng không kém phần sang trọng và tinh tế, cặp loa Sonus Faber Lumina III chứa đựng tất cả những giá trị cốt lõi mà Sonus Faber muốn hướng đến, đó là khả năng trình diễn âm thanh sống động, trung thực gói gọn trong một thiết kế cực kỳ tối giản.

Yên Vũ

Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây 

Chọn loa nghe nhạc vàng của Nhật hay Châu Âu thì hay hơn?